Thuyết trình bảo vệ luận văn luôn là nỗi ám ảnh với nhiều sinh viên năm cuối. Làm thế nào để bạn tự tin bảo vệ tâm huyết của mình sau 4 năm đại học? Làm thế nào để có bài thuyết trình bảo vệ ấn tượng trước thầy cô và bạn bè?... Những câu hỏi đó của bạn sẽ được giải đáp khi áp dụng các bí quyết sau của VietnamLearning.
Chuẩn bị chu đáo: Không chuẩn bị là chuẩn bị cho sự thất bại. Để có một bài thuyết trình bảo vệ thành công bạn phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ nội dung, những tình huống có thể phát sinh trong quá trình thuyết trình.
Bạn hãy chuẩn bị trước phương án trả lời các câu hỏi mà thầy cô có thể đưa ra cho bài thuyết trình của bạn. Hãy hỏi trực tiếp người hướng dẫn bạn để biết dạng câu hỏi hoặc tham khảo ý kiến các anh chị khóa trước để nhận biết các câu hỏi mà thầy cô có thể hỏi. Bên cạnh đó bạn hãy soạn trước cho mình một bản slide, bản tóm tắt và các tài liệu liên quan mà bạn có thể dùng trong khi bảo vệ.
Luyện tập trước khi diễn: Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường đỡ đổ máu. Bạn càng tập luyện kỹ bao nhiêu, bạn càng có cơ hội thành công bấy nhiêu trong quá trình thuyết trình. Hãy sử dụng phương pháp tưởng tượng để luyện tập khả năng thuyết trình của bạn. Nếu bạn có bạn bè, hãy nhờ họ làm giám khảo cho bài bảo vệ luận văn. Hãy nhờ họ nhận xét xem bạn đã tốt điều gì và yếu tố nào cần tốt hơn.
Nguyên tắc 80/20 bạn cũng cần áp dụng trong quá trình chuẩn bị và tập luyện. Nếu bạn có 15 phút để bảo vệ chính thức thì khi luyện tập bạn cần căn ke làm sao quỹ thời gian của bạn sử dụng là 10 phút. Khoảng thời gian 5 phút còn lại để đề phòng các trường hợp bất chắc có thể xảy ra với bạn như tâm lý, sự cố máy tính…
Thường xuyên giao lưu bằng mắt: Không ai ấn tượng với một người thuyết trình không có sự quan tâm đến mình. Hãy sử dụng tối đa khả năng giao tiếp bằng mắt của bạn. Bạn hãy áp dụng nguyên tắc 75/25 trong tình huống này. Khi thuyết trình, bạn hãy dành 75% sự chú ý của bạn với những thầy cô trong hội đồng phản biện và 25% còn lại dành cho những bạn bè mình đang ngồi phía dưới.
Bình tĩnh trả lời các câu hỏi: Nhiều sinh viên cảm thấy lo lắng và mất bình tĩnh khi nhận được các câu hỏi từ phía hội đồng phản biện. Lời khuyên cho bạn vào những lúc đó hãy hít một hơi thở thật sâu để lấy lại bình tĩnh. Để có thêm thời gian để bạn tìm câu trả lời hãy nhắc lại nội dung câu hỏi. Đó cũng là cách bạn thể hiện sự tôn trọng và gây ấn tượng với thầy cô.
Với những câu hỏi quá khó mà bạn không có phương án trả lời, hãy thành thật và nói rằng bạn cảm ơn người đặt câu hỏi đó, bạn sẽ suy nghĩ và trả lời trong một đề tài nghiên cứu tiếp theo.