Dân trí) - Em khóc – tiếng khóc không vỡ òa nức nở nhưng nghe xót xa cay đắng lắm. Trước mặt mẹ nằm đó với sự sống mong manh trong gang tấc. Mếu máo trong tiếng nấc nghẹn ngào em chỉ biết gọi: “Mẹ ơi, sao mẹ khổ cả đời đến vậy?”
Hải Dương… ngày tháng năm !
“Mẹ ơi, đây là lần đầu tiên con ngồi viết những dòng thư cho mẹ, cầu xin mẹ hãy tỉnh lại và đọc nó mẹ nhé. Con có lỗi, có lỗi nhiều lắm bởi đã không làm được gì trong khi sự sống của mẹ đang phụ thuộc hoàn toàn vào bình thở oxy. Giá như đôi chân của anh em con có thể đi lại được như người ta con sẽ cõng mẹ đến viện nhờ bác sĩ hay ít ra cũng chạy chỗ này chỗ khác được để xin mọi người. Và giá như bố mình không bị chứng thần kinh để còn có người đứng lên lo lắng và chăm sóc cho mẹ. Giá như… Con đang ước được như thế mẹ ạ!
Nhưng con giận mẹ, mẹ biết không? Mẹ biết mình bị bệnh lâu rồi sao lại dấu con để giờ đây thành ra nông nỗi này. Con phải làm sao, làm sao đây mẹ? Mẹ nằm đó có biết là anh em con đang chờ mẹ ngồi dậy không? Mẹ ơi, xin mẹ đừng bỏ chúng con!”
Tôi đã khóc không biết bao nhiêu là nước mắt khi đọc được những dòng thư này. Nỗi đau hòa trong sự tủi phận vì cảnh nghèo dường như càng xa xót hơn đối với đứa con không được lành lặn bình thường. Em là Ngô Duy Vinh (thôn Hà Tràng, xã Thăng Long, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) viết cho người mẹ đáng thương của mình là chị Phạm Thị Ngân đang trong tình trạng nguy hiểm bởi chứng suy tim độ 4.
Chị Ngân đang trong tình trạng nguy hiểm bởi bị suy tim độ 4
Chiều muộn, chúng tôi trở về xóm nghèo tới căn nhà tuềnh toàng với những hàng gạch đã cũ mốc nhưng vẫn chưa được trát vữa – đây cũng là nơi người phụ nữ đáng thương kia đã sống những tháng ngày bình lặng vì chồng vì con mà gắng gượng quên đi bệnh tật của mình. Không khí yên ắng buồn chỉ nghe thấy tiếng tích tích của chiếc bình thở oxy và tiếng khóc sụt sùi của 3 đứa trẻ.
Phía bên trong trên chiếc giường cũ mọt thỉnh thoảng kêu lên mấy tiếng ken két, chị nằm đó bất động, hiếm hoi lắm mới cố thều thào được một câu rồi lại lả đi không biết gì nữa. Gương mặt gầy tóp lại, hai mắt trũng sâu hốc hác và đôi môi thâm tím tái – tất cả đều gợi lên sự mỏi mệt đuối sức đến kiệt quệ. Cả thân hình gầy guộc chỉ có da bọc lấy xương càng tội nghiệp hơn khi chị chỉ lọt thỏm nằm một góc giường. Vinh cho biết: “Bình thường mẹ em cũng chỉ được 35 hay 36 kg thôi, bây giờ lại bệnh thế này nên sút cân nhiều lắm”
Làm sao để cứu mẹ khi bản thân các em đều tật nguyền không thể đi lại
Sự gầy guộc đến xác xơ của chị được lí giải bởi cuộc đời đầy những sóng gió gian truân. Tình yêu và sự chung thủy chung đã buộc chặt chị với người đàn ông tên Ngô Duy Di (bị chứng thần kinh gần 20 năm nay sau khi đi bộ đội về) để rồi sinh ra những đứa con tật nguyền tội nghiệp. Hai lần vượt can là hai lần chị vỡ òa trong niềm hạnh phúc được làm mẹ nhưng rồi phải đớn đau đối diện với sự thật rằng đôi chân của con không bình thường như những đứa trẻ khác. Đứa lớn phải dùng tay để đi rồi đến đứa bé phải nhờ hoàn toàn vào đôi nạng – đó là tất cả những gì chị có được của một người vợ tần tảo và người mẹ yêu con hơn cả mạng sống của mình.
Thêm một lần nữa bất hạnh lại ập đến nhưng chị đã lựa chọn đánh đổi để hàng ngày các con vẫn được no bữa. Những cơn đau tim hành hạ từ nhiều năm nay một mình chị gắng chịu để rồi giờ đây phải nằm đó trong gianh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Chồng và hai con đã thế, trong lòng chị còn lắng lo nhiều hơn cho cả thắng út (đứa trẻ bị ai đó bỏ lại trạm y tế cách đây 8 năm mà chị đã xin về nuôi). Đứa con thứ hai Ngô Duy Quang vừa đạt giải nhất trong cuộc thi “Thách thức công nghệ thông tin toàn cầu với thanh niên khuyết tật Việt Nam và Hàn Quốc” cũng đang ngồi đó đợi mẹ tỉnh dậy để khoe tấm bằng khen.
Tiếng các con đang gọi đấy, chị có nghe thấy không mà sao đôi mắt cứ nhắm nghiền nằm bất động đến thế. Nhìn các em, đứa thì không thể lên giường ngồi cạnh mẹ được, đứa thì dựa vào đôi nạng để đứng cho vững sao nghe xót xa đớn đau đến thế. Hi vọng cuối cùng bác sĩ cho biết chị vẫn có thể mổ được nhưng số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng các em biết xoay sở sao đây? Và rồi lời cầu xin “mẹ đừng bỏ chúng con” kia có thành hiện thực không?